Review “Vân trung ca” – Đồng Hoa

Phong cách quen thuộc của Đồng Hoa, xây dựng một nữ chính kiên cường mạnh mẽ, xây dựng một nam chính nửa tà nửa chính, và xây dựng một nam thứ chính vừa yêu vừa hận. Hận không phải vì gian manh độc ác, hận không phải bởi yêu cuồng si bất vọng tưởng. Hận bởi vẽ nên một tình yêu quá nhiều sự cho đi. Kẻ yêu trong tình yêu cao thượng, người nắm trong tay hạnh phúc nhưng lại sống chưa nổi ba thu. Thật lạ lùng, đối với Đồng Hoa, không hiểu sao tôi chỉ luôn dành tình yêu cho nam phụ, là Mạnh Cửu, là Hứa Tiểu Ba, là Tống Dực, là Lưu Phất Lăng. Vậy nên cũng có thể nói Đồng Hoa luôn tạo nên được một nam chính của lòng mình, thì cũng tạo nên một nam chính trong lòng độc giả, để đến khi gấp lại trang sách cuối cùng, trái tim vẫn không ngừng thổn thức, vì rung động, vì đau lòng, và cũng vì tiếc nuối.

Bao nhiêu diễn đàn, bao nhiêu topic tranh luận để đưa đến kết luận cuối cùng cho “Vân trung ca”, ai mới là nam chính? Rõ ràng Mạnh Giác là nam chính, nhưng cũng không thể nói rằng việc xem Lưu Phất Lăng làm nam chính là cố chấp. Tôi nằm trong số đó, Lưu Phất Lăng – người có được trái tim của nữ chính, đối với tôi chính là nam chính.

Nhưng trước khi được dành tình cảm cho Lưu Phất Lăng, tôi muốn được nói đến nam chính của câu chuyện: Mạnh Giác.

Bản thân cho rằng, Đồng Hoa ưu ái cho Mạnh Giác không kém cạnh gì so với Lưu Phất Lăng. Trên sa mạc năm nào, công tử nhận được giày thêu nữ tử, năm nàng về Trường An tìm Lăng ca ca, mặc dù đó là một cuộc hội ngộ hoàn toàn được sắp đặt trước, nhưng tình cảm của Vân Ca dành cho công tử là thật, đã từng có lúc vì công tử mà hao tâm khổ tứ, vì công tử mà cố gắng, vì đã rung động – bằng trái tim của một thiếu nữ, hoàn toàn không giống với cô gái nhỏ mặc váy lục la mừng rỡ vui vẻ khi có người chịu nghe nàng kể chuyện. Đó, Đồng Hoa không hề thiên vị, vẫn luôn dành cho công tử những điều tốt đẹp nhất. Tình yêu của hai người lúc đó, còn có hình ảnh nào mĩ lệ hơn được sao? Tôi chẳng còn đọc ngôn tình nữa, nhưng tôi chưa từng bắt gặp một hình ảnh nào kinh điển hơn thứ tình yêu mà tác giả tác thành cho họ:

“Tặng cho muội. Muội tặng cho ta sao trên mặt đất, ta tặng cho muội tuyết trên tay.”

Dưới ánh trăng bàng bạc, nàng khum khum cả một bầu trời sao trong lòng bàn tay để tặng cho công tử, từng đốm, từng đốm như những ánh sao rơi xuống hồng trần. Công tử đón nhận không nhiệt thành, nhưng cũng không hề từ chối. Không biết lúc ấy công tử có nghĩ đến những sinh mệnh ngắn ngủi đang tỏa sáng đó không? Chàng có nhận ra rằng, tình yêu trong trẻo tinh khôi của Vân Ca dành cho công tử, gần như chỉ tỏa sáng như “sao trên mặt đất”, đời người mấy quãng làm sao có thể kinh qua, khi trong lòng Vân Ca đã có bóng hình của nam tử Triệu Lăng năm đó.

Nụ hôn đầu đời, rung động thiếu nữ đầu đời, tất cả Vân Ca đều dành cho Mạnh Giác, những buổi hẹn hò dưới trăng, tắm mình trong hương hoa hương cỏ, chìm đắm trong những khúc nhạc thảo nguyên được tấu lên bởi công tử, hòa vào âm thanh trong trẻo của cô gái nhỏ sinh ra nơi Tây Vực xa vời vợi. Công tử có nhận ra hay không? Tuyết trên tay công tử ngày ấy vĩnh viễn đã bay theo bao cơn gió. Đom đóm rồi sẽ tàn lụi trong chớp mắt, bồ công anh cũng sẽ bay giữa mây trời, chỉ còn sót lại hơi tàn và hiện thực nghiệt ngã.
Tình yêu của Mạnh Giác và Vân Ca, ngay từ đầu đã không được trau chuốt như những gì Đồng Hoa dành cho Lưu Phất Lăng. Hai người họ đều gặp được Vân Ca lúc cận kề ranh giới sống và chết, nhưng lúc ấy, công tử là người đang ở dưới đáy xã hội, bị dè bỉu, khinh rẻ, để đến được cái ngày mà:

Một nam tử áo gấm đứng ở trước cửa tiệm, đang chậm rãi tháo xuống nón trúc trên đầu. Một động tác đơn giản, hắn làm cũng thật phong lưu tiêu sái khác thường, phong thái xuất trần, đang lúc ánh sáng lưu chuyển, làm người ta không thể không nhìn.

Bạch ngọc quan buộc giữ mái tóc trên đầu, mái tóc so với bầu trời đêm càng đen hơn, so với tơ lụa càng mềm mại hơn, so với bảo thạch càng sáng bóng. Ngũ quan của hắn khó phân biệt Hán Hồ, so với người Hán thì có thêm phần góc cạnh, mạnh mẽ, so với người Hồ thì lại có thêm phần ôn nhã, hoàn mỹ tựa như dùng ngọc thạch khắc thành.

Ánh mắt nhẹ lướt, cười như mây bay, làm cho tất cả các từ ngữ dùng để hình dung về anh tuấn mỹ lệ đều trở nên kém cỏi, vụng về, ảm đạm thất sắc, nếu dùng chúng với người này, thậm chí làm cho người ta cảm thấy sự không tôn trọng“.

Công tử đã phải giẫm đạp lên bao nhiêu thứ, phải dày công khổ luyện, phải bôn ba từ Tây Vực đến Trường An. Vậy nên tình yêu của công tử có quá nhiều cân đo đong đếm, mang ý thực dụng, mang theo cả nỗi đau của đứa trẻ mồ côi, mang theo bao thù hận, dĩ nhiên tình yêu là thứ mà tiền bạc không thể nào mua nổi. Điều công tử không ngờ được, có lẽ là người Vân Ca đến Trường An không phải vì Lưu Bệnh Dĩ, không phải một ai khác, mà người đó chính là thiên tử – Lưu Phất Lăng.

Người đàn ông xuất hiện phong nhã, tư thế ung dung, khí chất âm trầm, sắc sảo, thế nhưng vì tình yêu, người đàn ông ấy dần dần hiểu ra tình yêu có khi không chỉ vì bản thân mình nữa, nhắm mắt để chữa bệnh cho người nàng yêu, giận dữ khi nàng vì người thương mà cả gan dám chấp nhận ở bên mình, đến khi phải vứt bỏ bản thân để cứu sống nàng, rồi cuối cùng, cũng vì nàng mà sẵn sàng chọn cái chết.

Nỗi đau đạt đến đỉnh điểm khi Vân Ca đặt bàn tay đầy máu lên ngực công tử: “Ta hận người“. Đó cũng chính là lúc công tử hiểu được sâu sắc lời nói của mẫu thân trước lúc chết, cũng là thời điểm công tử biết mình đã tự tay dựng lên bức tường thành chặn con đường quay đầu của mình và Vân Ca. Chàng chỉ còn biết gào lên: “Vân Ca, nàng nghe đây, đứa bé đã chết rồi! Bất luận là nàng có chịu tỉnh lại hay không, đứa bé cũng đã chết rồi! Nàng đừng tưởng rằng nàng vẫn ngủ, là có thể làm như hết thảy đều không xảy ra. Đứa bé đã chết! Là bị ta giết chết! Không phải là nàng hận ta sao? Vậy cứ hận đi! Nếu nàng cứ như vậy mà chết, chẳng phải là có lợi cho ta sao?” .

Đúng, chẳng ai hiểu được sức mạnh hận thù hơn công tử. Vậy nhưng, công tử thà từ bỏ bản thân, thà từ bỏ khúc “Thái vi” đã từng thổi, công tử tấu lên điệu bi ai mà Lưu Phất Lăng dành tặng riêng cho nàng. Người đàn ông dẫm lên tự tôn bản thân để cứu sống một người con gái, trong giây phút đó, chắc chắn Mạnh Giác không còn là Ngọc trung chi vương nữa, tưởng như chàng có thể từ bỏ tất cả để cứu Vân Ca, tiếc là tất cả mọi thứ đã quá muộn với công tử.

Ta tên gọi Mạnh Giác, Mạnh trong từ Mạnh Tử, Giác là Ngọc trung chi vương.”

Mạnh Giác không hề coi Lưu Phất Lăng là đối thủ. Cái tâm của công tử đối với Lưu Phất Lăng không hẳn là sự hận thù. Ngay từ lúc công tử nghe được tâm ý của Lưu Phất Lăng dành cho Nhã Trù công tử, tâm chàng một trận “chấn động“, lúc phát hiện ra nguyên nhân căn bệnh ngày càng trầm trọng hơn của Lưu Phất Lăng, công tử cũng không ngần ngại  chỉ đích danh kẻ hạ độc, có thể vì mục đích muốn triệt hạ Lưu Tuân, nhưng cũng có thể vì lời hứa dành cho Vân Ca, sẽ cứu sống người nàng yêu chăng? Dù thế nào, giữa nam chính và nam thứ chính, không hề có sự tranh đấu đến đầu rơi máu chảy, thịt nát xương tan, mà họ đều hướng đến một người, vì một người để tồn tại. Công tử đối với Lưu Phất Lăng, vừa thù hận nhưng cũng đầy thành kính.

Mạnh Giác và Vân Ca, hai người đi một vòng, từ tình yêu đến thù hận rồi lại từ thù hận bước ra, quay trở về làm hai người dưng đi chung một lối. Vân Ca sống vì trong thâm tâm nàng, Lưu Phất Lăng chưa chết, “chàng chỉ trốn ta đi dạo chơi đâu đó“, vì trái tim nàng không buông bỏ được, còn Mạnh Giác sống, vì Vân Ca vẫn còn tồn tại, bởi vì có nàng nên công tử muốn sống.

Bi kịch cuối cùng dành cho Mạnh Giác, chính là sự hiểu lầm chết người của Vân Ca, nàng tự tay độc lá ngón Mạnh Giác. Trong khoảnh khắc đau đớn đó, Mạnh Giác đột nhiên tìm lại được vị giác, đột nhiên thấy hạnh phúc, tâm tư của nàng năm đó cuối cùng cũng đã thực hiện được, chỉ là trong hoàn cảnh bi ai khó nói, công tử biết nàng muốn giết mình, biết được sau bữa ăn này kết quả ra sao, nhưng công tử mặc kệ, bởi trong cái chết đó, chàng khổ sở nhưng lại được nếm tình yêu, dù đó là vị đắng ngấm đếm lục phủ ngũ tạng, thấu đến tận tâm can.

Mạnh Giác là một nhân vật hiếm có trong giới ngôn tình, tự mình trải qua hết các cung bậc thăng trầm. Tiếc là công tử gặp Vân Ca muộn hơn một chút, tâm tư khó lường hơn một chút, tình yêu vị kỉ một chút, để đến khi công tử ngã vào dòng Thương Hà đang cuộn chảy, trong tâm tôi lại giá như, giá như công tử được gặp nàng sớm hơn một chút, buông tâm tư xuống một chút, yêu nàng nhiều hơn một chút, trân trọng nàng vào phút giây quan trọng nhất… thì thật tốt. Có lẽ cái kết mở của Đồng Hoa chính là để giúp cho những độc giả như tôi thắp lên một hi vọng, hi vọng chàng vẫn còn đâu đó trên cuộc đời này!

Nhưng Đồng Hoa là người công bằng mà, cô sẵn sàng để Mạnh Giác sánh vai cùng Vân Ca đi đến tận cùng câu chuyện, thì cũng sẵn sàng dành hoàn toàn tình yêu của nữ chính cho nam thứ chính. Trong suốt chiều dài câu chuyện, chàng xuất hiện ngắn ngủi chẳng khác nào một nét gạch ngang trời, thế nhưng lại vô cùng rực rỡ, tựa pháo bông nở rộ khúc giao thừa, vừa chói lóa, vừa kì diệu, lại vừa thê lương. Ám ảnh, đọng lại vào tâm trí người đọc, chàng là Lưu Phất Lăng – Lăng ca ca.

Giữa trập trùng cát trắng, thiếu niên xuất hiện chật vật nhưng toát lên vẻ đĩnh đạc cương quyết, mang theo bốn phần lạnh nhạt, ba phần bất cần, một cảm giác rất phi thường, vậy nhưng:

“Vân Ca lập tức cất tiếng gọi trong trẻo: “Lăng ca ca”, cùng với một nụ cười tươi đẹp như nhân gian trong một ngày nắng tháng tư. Chưa bao giờ bị người khác gọi như vậy Triệu Lăng chợt cảm thấy tận sâu trong nội tâm vốn tối đen như mực của mình bỗng nhiên xuất hiện một tia nắng mặt trời.”

Nụ cười của Vân Ca hồn nhiên rực rỡ, Triệu Lăng bỗng cảm thấy tim bỗng nhiên đập nhanh, vội quay đầu đi.”

“Triệu Lăng lần đầu tiên nở nụ cười. Khi hắn không cười ánh mắt luôn chìm trong bóng đen u ám, nhưng nụ cười lúc này dường như làm cho những ngôi sao trên bầu trời đều tan chảy vào trong ánh mắt hắn, trong con ngươi đen láy có nhiều ánh sao lấp lánh chớp động, Vân Ca nhìn mà ngẩn ngơ, buột miệng nói ra: “Huynh cười nhìn thật đẹp, so với bầu trời đầy sao còn đẹp hơn.”

Dù là thần đồng, hay là thiên tử, hay là người mang trong mình cả hai dòng máu đó, hoặc bất kì ai chăng nữa, khi đi qua đêm đen giông bão bất chợt thấy ánh mặt trời, trong lòng ít nhiều không khỏi “chấn động”. Vân Ca là tia nắng đầu tiên chạm vào được nội tâm sâu tăm tối của chàng. Lần đầu tiên sau cái chết nghiệt ngã của mẫu thân, chàng nở nụ cười rạng rỡ.

Lúc đọc truyện, trong đầu tôi cứ mường tượng về bóng dáng một người con trai có bờ vai rộng thẳng tắp, đêm đêm đứng lặng lẽ trên Thần Minh Đài, lặng lẽ thổi từng khúc tiêu, lặng lẽ trông mong về hướng Tây, cảm giác cô đơn không có gì tả nổi, cũng có cảm giác rất đáng thương. Chàng là vua một nước, nhưng bên cạnh chàng lại chẳng có ai có thể chia sẻ ngoại trừ Vu An, chàng chờ đợi người còn gái nhỏ xinh đã từng ước hẹn trên thảo nguyên xa xôi sẽ đến Trường An thăm chàng. Không biết chàng lấy niềm tin ở đâu để chờ đợi một lời hứa con trẻ như vậy, lời ước hẹn chỉ bằng chiếc giày thêu:

“Cô có biết nữ tử tặng giày thêu cho nam tử là có ý gì không?”

“Được, ta ở Trường An chờ cô.”

Vân Ca mờ mịt nhìn Triệu Lăng, ánh mắt lấp lánh lấp lánh. Sau đó Triệu Lăng nhìn cô bé chăm chú, khóe môi chậm rãi nở nụ cười, đưa tay nhận lấy chiếc giày, trịnh trọng ôm vào trong lòng, nhấn mạnh từng chữ nói: “Tôi nhận. Vân Ca, cô cũng nhất định phải nhớ kỹ!”

Cái ngoắc tay của hai đứa trẻ: “Ai quên phải làm lợn con!“, Vân Ca không muốn làm lợn con, Lưu Phất Lăng càng không muốn làm lợn con. Vậy nên nhân một ngày loạn thất bát tao kén rể, Vân Ca rời Tây Vực, một mình đến Trường An thực hiện lời ước hẹn cùng Lăng ca ca: “Tôi nhất định sẽ đi tìm huynh, huynh cũng nhất định phải đợi tôi”.

Lúc Vân Ca gặp Mạnh Giác, tôi đã chắc chắn được ngay rằng đó không phải là Lăng ca ca, chàng không có cái khí chất kiêu ngạo và bí ẩn khó đoán của Mạnh Giác, Lưu Phất Lăng đem lại cảm giác lãnh đạm, bàng quan nhưng lại vô cùng ấm áp, nồng nàn như rượu say. Dường như cái khí tức nhàn nhạt luôn bao vây lấy trái tim khao khát tình yêu của chàng, chỉ chực bùng nổ, vỡ tung.

Năm lần bảy lượt, Đồng Hoa cứ để cho họ lướt qua nhau, nhưng quả thật nếu không có những lần vụt qua nhau đó, độc giả sẽ khó mà hiểu hết được thế nào là tâm đầu ý hợp, thế nào là lưỡng sinh hoa.

Là Nhã Trù công tử đem tâm tư mình gửi hết vào từng món ăn, là Lưu Phất Lăng bằng tâm ý tương thông thưởng thức món ăn giải hết được nỗi lòng người nấu. Thiên ngôn vạn ngữ, đối với người mình quan tâm nhất chẳng qua cũng là hi vọng người đó ăn no mặc ấm. Thức ăn có trăm hương ngàn vị, đương nhiên vị càng đậm đà thì càng kích thích, nhưng ấm áp nhất, món ăn ngon nhất lại là vị dầu muối bình thường, cũng giống như trong cuộc sống, chua ngọt đắng cay, rất nhiều màu sắc, thay đổi muôn hình muôn vẻ, nhưng sau cùng luôn hi vọng chính là tế thủy trường lưu, cùng nắm tay nhau hưởng hạnh phúc bình an.

Là bóng hình trong nước, ống tay áo rộng thùng thình theo làn gió nhẹ bay lên, in vào bóng nước không ngừng biến đổi. Họ chỉ cách nhau bằng chiều cao của một cây cầu vòm. Nàng nhìn bóng hình trong nước, trong lòng không khỏi cảm thán, chỉ là cái bóng sao vẫn thấy cô đơn, nàng cảm nhận được sao? Sự cô đơn của chàng?

Là khúc hát dưới cầu vồng, chàng bàng hoàng nhận ra làn điệu trên thảo nguyên nàng từng hát, tiếng ca cất lên trong gió, giữa rừng xanh bao la như có như không, không thể phân biệt nổi đâu là tiếng gió, đâu là tiếng hát. Chàng cố nén kích động để hỏi Vu An rằng đó có phải là tiếng hát mặc cho câu trả lời của Vu An dù không… hay là có. Làm sao chàng có thể quên được tiếng hát thân quen đó từng len qua bức màn tăm tối của chàng để chạm vào trái tim khao khát được thương yêu. Và giữa đêm đen tĩnh mịch, tiếng ca cũng vụt mất, chàng bất động, thiên địa hồng hoang.
Nhưng thật trêu ngươi làm sao, tiếng hát cất lên từ sơn cốc không phải vì chàng mà vì một người con trai khác.

Chàng cảm nhận rất rõ sự hiện hữu của Vân Ca nhưng lại không thể lý giải tại sao nàng cách Trường An trong gang tấc lại không chịu đến gặp chàng. Một lời ước hẹn và một chiếc giày thêu lại có thể chờ nàng một cách thủy chung đến vậy, cảm nhận được tinh tế sâu sắc tâm tư của nàng đến vậy, không biết tình này sâu đến bao nhiêu?

Vân Ca nói cho cùng vẫn chỉ là một cô gái nhỏ, mong muốn được gặp người mình yêu, rồi sống cùng nhau một đời an ổn. Nàng khó khăn mới đến được Trường An, nháo nhác một trận gà bay chó sủa, lại một mình quay về Tây Vực trong nỗi đau bị phụ tình. Trên đường về gặp hỗn chiến, nàng bị thương nặng, rồi lại hay tin người mình thương thầm trộm nhớ ở Trường An không phải là Lăng ca ca nàng từng biết, cũng vừa hay tin người đó vẫn luôn chờ đợi cô gái nhỏ mặc váy lục la đến tìm mình, càng chấn động hơn, người đó không ai khác chính là thiên tử. Vậy nên dễ hiểu cho phản ứng xa cách của Vân Ca, cái cảm giác tội lỗi phản bội lại lời hẹn ước.

Chắc chắn chàng không quên vị nước táo chua Vân Ca nấu cho mình trên sa mạc, chàng không quên cô gái co mình nằm bên chàng dưới bầu trời sao, chàng cũng chưa từng gặp cô gái nào mang theo hà bao không chứa hương liệu mà toàn đồ gia vị. Mỗi bước chàng tiến đến bên nàng là một lần tim thắt lại. Mười mấy năm xa cách họ đã gặp lại nhau, trong một hoàn cảnh không thể nghiệt ngã hơn.

Lăng ca đối với vương vị quyết đoán nhưng khoan dung, rộng lượng, đối với tình yêu lại nồng nàn, tha thiết. Nhưng trên hết vẫn là sự hi sinh vì người mình yêu, có thể vì hạnh phúc của người con gái ấy mà gánh chịu tất cả. Tình yêu của Lưu Phất Lăng khó có thể diễn tả trong một lời nói, rõ ràng là có tính chiếm hữu, nhưng lại rất ôn nhu, dịu dàng. Đối với Vân Ca, vừa nghiêm khắc lại vừa chiều chuộng. Cho đến lúc chàng ra đi, chàng vẫn một mực lo lắng dàn xếp tương lai cho nàng, chỉ tiếc rằng chàng tính không bằng trời tính.

Hơn 20 năm sống trên đời, chàng làm được nhiều thứ, cũng còn vô số điều bỏ ngỏ, nhưng:

“Chuyện vui sướng thì nhiều lắm, nhất thời không nghĩ ra được chuyện gì là vui sướng nhất.”

Sau giây lát, Lưu Phất Lăng cười nói: “Chuyện vui sướng nhất chính là cưới được thê tử tốt.”

“Chuyện muốn làm nhất chính là có thể ở cùng nàng ngày lại ngày cho tới bạc đầu.”

Mối tình chờ đợi mười mấy năm nhưng lại chỉ đồng hành cùng nhau trong khoảng thời gian vô cùng ngắn ngủi, đau thương nhiều hơn vui sướng, đắng cay nhiều hơn ngọt bùi. Rồi nhân gian sẽ chẳng còn ai nhớ đến vị vua chết trẻ, chẳng còn ai nhớ đến cô nương Vân Ca một thời vang bóng Trường An. Vân Ca cùng Vu An, họ sẽ đi ngắm hết những mĩ lệ của đất trời, thỏa chí tang bồng cho Lưu Phất Lăng. Nơi hoàng cung tăm tối, có Thượng Quan Tiểu Muội sẽ ở đó, thay chàng chứng kiến những thăng trầm biến đổi của thời gian.

Lưu Phất Lăng chỉ đi đến lưng chừng câu chuyện, bỏ lại nhân gian tình yêu vạn dặm, bỏ lại giấc mơ dang dở hòa bình thịnh thế, bỏ lại cả quãng thanh xuân rộng dài, chàng nhắm mắt trong vòng tay ấm áp của Vân Ca vào một ngày tuyết đổ, đi đến cầu Nại Hà bằng lời ca trong trẻo và đau thương của người chàng yêu. Rốt cuộc sau tất cả, chàng vẫn là người hạnh phúc nhất.

“Vân Trung Ca” là một tác phẩm khá đồ sộ, tuyến nhân vật được xây dựng rất rộng, vì vậy trong một bài viết không thể nói hết được tất cả những điều tôi muốn nói. Như Lưu Tuân, Hứa Bình Quân, Thượng Quan Tiểu Muội, Hoắc Thành Quân, Hoắc Quang, Vu An, Lưu Hạ… Còn với Vân Ca, tôi sẽ dành tâm tư của bản thân cho chỉ riêng mình nàng.

Tôi muốn nói thêm, đó chính là phim chuyển thể do Vu Chính sản xuất, nếu được chọn lại chắc chắn tôi sẽ không bao giờ xem bàn tay “thần thánh” của Vu Chính đã phá hỏng một “Vân Trung Ca” tuyệt đối trong lòng mình. Tôi khao khát chờ đợi ngày được xem cô gái nhỏ mặc váy xanh biếc, cưỡi lạc đà đinh đang trên sa mạc dưới dáng vẻ hồn nhiên trong trẻo, tôi muốn được nhìn thấy cảnh sao trên mặt đất, tuyết trên tay đẹp diệu kì ra sao của Mạnh Giác, tôi muốn được nhìn thấy bóng dáng đứng trên Thần Minh Đài, âm thầm chờ đợi trong tiếng tiêu dìu dặt của Lưu Phất Lăng, muốn nhìn thấy những tia nắng bình minh trên đỉnh núi. Tôi thực sự đã chờ mong một tác phẩm tuyệt vời, nhưng Đỗ Thuần quá khác với Mạnh Giác trong lòng tôi, Lục Nghị quá mềm yếu so với Lưu Phất Lăng, AngelaBaby không hề có nội tâm sâu sắc ẩn bên trong một cô gái yêu đời. Bởi vì chờ đợi quá lâu nên thất vọng càng nhiều. Có lẽ vẫn chỉ nên đọc bản edit của bạn Tiểu Hoắc, để cho tình cảm với “Vân Trung Ca” mãi được nguyên vẹn với thời gian.

Với “Vân Trung Ca”, tôi nghĩ Đồng Hoa đã vượt ra khỏi ranh giới mang tên ngôn tình, mang trong nó một vẻ đẹp sử thi, không quá bi lụy, nhưng cũng không vượt ra khỏi giới hạn của con người, không nâng nó lên đến mức không thật, nhưng vẫn cảm giác được sự kì diệu của văn chương, hành văn bình thản, từ từ đi sâu, khiến cõi lòng người ta đau đớn.

Rất đáng đọc, rất tuyệt vời!

 

Bình luận về bài viết này